Top 5 lễ hội truyền thống ở Hà Giang mà bạn không thể bỏ lỡ

Hà Giang không chỉ nổi tiếng với cảnh sắc phong phú, nơi đây còn có nền văn hóa đa dạng. Nét đẹp văn hóa đó được thể hiện qua những lễ hội truyền thống được lưu giữ bao đời nay. Những lễ hội Hà Giang đã góp phần cho sự phát triển du lịch của mảnh đất nơi địa đầu Tổ Quốc. Đã đến Hà Giang nhất định phải tìm hiểu và khám phá 5 lễ hội truyền thống dưới đây.

Chợ tình Khâu Vai – Lễ hội Hà Giang đậm tính nhân văn.

Chợ Khâu Vai nằm ở xã Khâu Vai, huyện Mèo Vạc, với nhịp sống bình lặng muôn đời. Nhưng cứ hễ tháng 3 Âm Lịch, nơi đây lại nhộn nhịp đầy bước chân người. Bởi nơi đây diễn ra lễ hội Chợ tình Khâu Vai và khách du lịch phương xa tìm về để khám phá, trải nghiệm.

Lễ hội Chợ tình Khâu Vai được tổ chức mỗi năm một lần vào ngày 27/3 Âm Lịch. Đây là phiên chợ đặc sắc nhất ở Hà Giang vì ở đây không có kẻ bán người mua. Chợ họp với mục đích ca ngợi mối tình trong sáng và lan tỏa về những giá trị tốt đẹp. Đồng thời, đây còn là không gian văn hóa sinh động, một lối sinh hoạt cộng đồng đặc sắc.

Lễ hội Chợ tình Khâu Vai được tổ chức gồm hai phần đó là phần lễ và phần hội. Phần lễ nhằm ghi nhớ công ơn khai hoang của người đi trước và tôn thờ tình yêu lứa đôi. Sau khi phần lễ kết thúc sẽ diễn ra phần hội với các hoạt động hấp dẫn. Người dân sẽ tổ chức các trò chơi dân gian truyền thống, biểu diễn nghệ thuật, giao lưu văn hóa văn nghệ, trò chuyện tâm tình với người mình thương…

Điểm đặc sắc của lễ hội chính là tính nhân văn mang lại cho người tham gia. Đây là dịp để những người thương nhau nhưng không đến được với nhau gặp lại nhau. Họ gặp lại để hàn huyên tâm sự, để sẻ chia những buồn vui trong quãng đời không thấy nhau. 

Lễ hội Cấp sắc – Lễ hội Hà Giang mang bản sắc người Dao.

Cấp sắc hay còn gọi là lễ lập tịch, một lễ hội truyền thống của người Dao. Lễ hội thường được tổ chức vào những tháng cuối năm như tháng 11, tháng 12, tháng giêng hàng năm. Ý nghĩa mà lễ hội mang lại đó chính là đánh dấu cột mốc trưởng thành của người đàn ông.

Theo quan điểm của người Dao, chỉ những ai đã được Cấp sắc mới được xem là người trưởng thành. Và chỉ có những người trưởng thành mới được tham gia vào các công việc hệ trọng của làng, được cúng bái và được giúp việc cho thầy. Với những người đàn ông chưa trải qua lễ Cấp sắc vẫn chưa được xem là người trưởng thành. Lễ hội Cấp sắc khẳng định được vị trí người dàn ông trong gia đình, làng bản và xã hội.

Với người Dao, nghi lễ cấp sắc mang tính giáo dục rất lớn trong cộng đồng. Những lời giáo huấn đều hướng tới điều thiện, không làm việc ác. Đặc biệt, những lời giáo huấn này dưới sự chứng kiến của tổ tiên nên tính răn đe rất lớn.

Lễ hội Gầu Tào – Lễ hội truyền thống của người H’Mông.

Người Mông cũng có lễ truyền thống cho riêng mình, đó chính là lễ hội Gầu Tào. Lễ hội diễn ra từ ngày mùng Một đến ngày Rằm tháng giêng. Thời gian diễn ra lễ hội Gầu Tào mỗi năm cũng khác nhau. Nếu hội tổ chức trong 3 năm liền thì mỗi năm tổ chức 3 ngày còn nếu gộp 3 năm một lần thì kéo dài đến chín ngày.

Lễ hội Gầu Tào được tổ chức thành hai phần đó là phần lễ và phần hội. Ở phần lễ là những nghi thức thể hiện đậm bà bản sắc văn hóa của người Mông. Phần lễ nhằm tạ ơn trời đất, thần linh đã phù hộ cho người dân khỏe mạnh. Đồng thời, cầu phúc, cầu lộc, cầu cho mùa màng bội thu, cuộc sống ấm no. Điểm đặc sắc của phần lễ là dựng cây nêu để mọi người biết gia chủ đang tổ chức. Sau phần lễ là phần hội mà mọi người mong ngóng với những hoạt động vui chơi giải trí, cùng nhau múa hát giao lưu thắt chặt tình làng nghĩa xóm.

Lễ hội Gầu Tào là một nét đẹp truyền thống trong sinh hoạt cộng đồng của người H’Mông được tổ chức như một điểm nhấn thu hút khách du lịch đến với mảnh đất Hà Giang.

Lễ hội Lồng Tồng – nghi lễ truyền thống của người Tày.

Đây là lễ hội dân gian truyền thống của người Tày được tổ chức vào đầu tháng Giêng hàng năm. Lễ hội mang nét đẹp đặc trưng của nền nông nghiệp lúa nước. Mục đích chính của lễ hội nhằm cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, người dân mạnh khỏe.

Lễ hội Lồng tồng gồm hai phần đó là phần lễ và phần hội. Phần lễ là nghi thức cúng bái của thầy cúng theo tập tục truyền thống của người Tày. Trong không khí trang nghiêm là mâm cỗ đủ đầy nhằm khấn vái tạ ơn trời đất, thần linh đã phù hộ cho dân bản một năm mùa màng bội thu, người dân hạnh phúc và mong ước một năm mới với nhiều may mắn. Sau phần hội là phần lễ với không khí vui tươi, nhộn nhịp của người dân nơi đây. Phần hội được tổ chức với những trò chơi dân gian truyền thống, giao lưu văn hóa, văn nghệ…

Đến với lễ hội Lồng Tồng, du khách sẽ được chiêm nghiệm những điệu múa truyền thống của người Tày. Được tham gia vào các trò chơi dân gian như ném còn, kéo co, thi dệt thổ cẩm, thi cấy, thi trâu cày ruộng… Đặc biệt là được chứng kiến một không khí vui tươi của những ngày đầu xuân.

Lễ hội nhảy lửa – ấm cúng nơi núi rừng Hà Giang.

Đây là lễ hội truyền thống của người Pà Thẻn và khá nổi tiếng ở Hà Giang. Với người Pà Thẻn, đây là một lễ hội vô cùng quan trọng. Đồng thời, đây cũng là loại hình sinh hoạt văn hóa mang yếu tố tâm linh vô cùng to lớn.

Lễ hội nhảy lửa được tổ chức vào những ngày cuối năm khi mùa màng đã thu hoạch xong. Khi tiết trời nơi đây đang trong thời kỳ khắc nghiệt, ngọn lửa bừng lên mang lại sự ấm áp. 

Theo quan niệm của người Pà Thẻn thì thần lửa là vị thần tối cao, luôn yêu thương, giúp đỡ, chở che họ trước mọi khó khăn trong cuộc sống. Do đó, lễ hội nhảy lửa với mục đích tạ ơn, mừng vui vì một năm mùa màng bội thu và cầu thần linh phù hộ cho an khang thịnh vượng, xua đuổi tà ma, bệnh tật. 

Mảnh đất Hà Giang với nhiều lễ hội truyền thống mang đậm bản sắc của các dân tộc khác nhau. Theo sự thay đổi của thời gian, các lễ hội truyền thống này tồn tại cùng sức sống mãnh liệt, được thế hệ con cháu sau này giữ gìn và phát triển tạo nên du lịch văn hóa Hà Giang độc đáo mang dấu ấn riêng, khiến du khách mọi nơi luôn muốn tìm hiểu và trải nghiệm. Hãy liên hệ với nhà xe Bằng Phấn qua hotline: 1900.9389 – 0917.898.898 hoặc qua Website: https://xebangphan.vn/ để chuyến trải nghiệm Hà Giang của du khách được trọn vẹn.

Bài viết liên quan